Bệnh Candida ở mèo là một trong những tình trạng mèo bị nhiễm nấm. Bệnh có thể xảy ra trên nhiều vị trí như miệng, mũi, tai, đường tiêu hóa, sinh dục,… Tìm hiểu về bệnh này có thể giúp các chủ nuôi cách phòng tránh hiệu quả cho mèo cũng như một số biện pháp chữa trị hiện nay.
Nội dung
1. Sự hình thành bệnh Candida ở mèo
Candida ở mèo là bệnh truyền nhiễm do nấm men gây ra, phần lớn là Candida Albicans. Chúng có thể tồn tại mọi nơi trong môi trường sống xung quanh. Đây là một trong những dạng nấm men. Nấm xâm nhập vào cơ thể mèo thông qua các mô bị thương ở con vật.
Thông thường, hàng rào miễn dịch của mèo có thể tự sinh cơ chế bảo vệ với mầm bệnh này. Tuy vậy, khi nấm phát triển quá nhanh, vượt mức kiểm soát, mèo sẽ có biểu hiện bệnh. Một số yếu tố nguy cơ có thể khiến mèo dễ bị nhiễm nấm men mà các chủ nuôi cần lưu ý bao gồm:
- Mèo gặp chấn thương và có xuất hiện vết thương hở trên da.
- Mèo bị bỏng hoặc có mô chết.
- Tình trạng viêm nhiễm da tạo nên vết lở loét, hoại tử,…
- Mèo bị nhiễm virus gây giảm bạch cầu hay mắc bệnh suy giảm miễn dịch sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm nấm Candida cao hơn bình thường.
- Trường hợp mèo phẫu thuật thông niệu đạo, đặt ống nhân tạo,… gây ra biến chứng như hẹp ống niệu đạo, niệu quản, tiểu đường. Điều này sẽ tăng nguy cơ xuất hiện sự tồn tại của nấm ở hệ tiết niệu.
Bệnh Candida có thể xảy ra với mèo ở mọi lứa tuổi, giống loài, giới tính. Nấm có thể gây bệnh ở một số cơ quan nơi chúng khu trú nhưng đôi khi mèo cũng bị nhiễm toàn thân.
2. Triệu chứng bệnh Candida ở mèo
Tùy vào mỗi vị trí gây bệnh mà Candida ở mèo có những biểu hiện khác nhau.
- Trường hợp nhiễm nấm ở tai, mèo sẽ thường xuyên lắc đầu, dùng chân gãi tai liên tục. Bằng mắt thường, bạn có thể nhìn được bụi nấm ở mép tai.
- Nấm Candida gây bệnh trong xoang miệng sẽ kích thích khiến mèo chảy nước dãi liên tục. Một số vị trí có thể bị loét khiến việc ăn uống của mèo khó khăn hơn. Lưỡi mèo xuất hiện một lớp màu trắng.
- Mèo nhiễm nấm ở bàng quang sẽ dẫn đến viêm. Con vật bí tiểu, tiểu đau. Nếu bạn có thể quan sát được nước tiểu của mèo sẽ thấy có nhiều cặn.
- Nấm có thể gây ra các tổn thương trên da, vết lở loét, bụi nấm phủ quanh thân, ngứa ngáy. Da bị kích ứng sẽ ửng đỏ, dễ tổn thương. Mèo cào nhiều hoặc cọ xát để vào vật cứng để giảm sự khó chịu.
3. Phương pháp điều trị và cách phòng tránh bệnh Candida ở mèo
Điều trị
Việc điều trị sẽ bao gồm loại bỏ tác nhân gây bệnh và tăng cường sức đề kháng cho mèo. Với mỗi vị trí tác động của nấm khác nhau trên cơ thể mèo mà bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.
- Nếu nấm xuất hiện ở miệng, các loại thuốc đưa qua đường miệng có tác dụng cải thiện triệu chứng hiệu quả. Việc để thuốc tan trong miệng mèo sẽ giúp trị nấm tốt hơn.
- Trường hợp nấm gây bệnh trên da, có thể sử dụng kem bôi da để giảm cảm giác khó chịu và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương cho mèo.
- Kết hợp với các phương pháp trên, bác sĩ có thể kê toa thuốc uống như Fluconazole để điều trị toàn thân. Trường hợp nặng, mèo có thể được dùng thuốc mạnh hơn và chỉ định qua đường tiêm.
Cách phòng nấm cho mèo
Phòng bệnh chính là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe mèo.
- Loại bỏ các nguyên nhân có thể khiến mèo bị nhiễm nấm là việc làm hết sức cần thiết.
- Vệ sinh, thường xuyên cho mèo, nhất là các vị trí dễ chịu tác động của nấm.
- Kiểm tra thường xuyên các vấn đề liên quan đến lông, da để xử lý kịp thời.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho mèo chính là biện pháp nhằm phát hiện sớm bệnh lý cũng như các vấn đề liên quan.
- Đưa mèo đến gặp bác sĩ thú y nếu thấy các biểu hiện bất thường của mèo không có dấu hiệu thuyên giảm.
Mặc dù rất khó để có thể phòng tránh 100% bệnh Candida ở mèo nhưng hạn chế tối đa khả năng nhiễm nấm là việc trong tầm tay. Nếu mèo nhà bạn xuất hiện các biểu hiện nhiễm nấm hoặc nghi ngờ thì bạn nên đưa chúng đến bác sĩ thú y.