Nếu thế giới tổ chức cuộc thi đọ trí thông minh giữa chó và mèo, bạn sẽ đặt cược lên bàn cân nào? Tham khảo vài thông tin mà Petto tìm hiểu để đoán kết quả nhé!
Thông minh là một phạm trù khá mơ hồ.
Việc săn mồi tưởng như không cần đến trí tuệ nhưng lại đòi hỏi những hành vi đặc biệt liên quan đến thần kinh. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu săn mồi cao đòi hỏi số lượng tế bào thần kinh vỏ não cao hơn để bổ sung sức mạnh cho não.
Chuyên gia nghiên cứu khoa học về thần kinh Suzana Herculano-Houzel từ Đại học Vanderbilt ở Mỹ cho biết:
“Tôi tin rằng số lượng tế bào thần kinh tuyệt đối mà một loài động vật có, đặc biệt là ở vỏ não, quyết định sự phong phú của trạng thái tinh thần bên trong chúng và khả năng dự đoán những gì sắp xảy ra trong môi trường của chúng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ”.
Trong các nghiên cứu trước kia về so sánh “mật độ neuron” trong não của một số loài vật, mèo có khoảng 300 triệu neuron, trong khi chó chỉ đạt 160 triệu. Mức độ chênh lệch là gần 2 lần, nên mèo luôn được mặc định là thông minh hơn.
Tuy nhiên có vẻ như chúng ta đã quá vội vàng rồi. Trong một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia đã phân tích não của một số loài ăn thịt: chồn, cầy magut, gấu mèo, chó, mèo, linh cẩu, sư tử, gấu nâu. Mỗi loài có 1 hoặc 2 mẫu vật.
Kết quả: chó đạt tới gần 530 triệu neuron, trong khi mèo chỉ có 250 triệu. Có nghĩa nếu coi lượng neuron vỏ não là trí thông minh thì chó vượt trội so với mèo ở khoảng cách quá xa.
Bất ngờ hơn nữa, lượng neuron trong não của chó nhiều nhất trong số các loài vật tham gia thí nghiệm, dù não của chó không hề lớn nhất.
Tuy nhiên theo Herculano-Houzel, nghiên cứu của ông thực chất chỉ chứng tỏ được rằng về mặt sinh học, chó có khả năng xử lý linh hoạt hơn mèo thôi, và điều này cũng không có nghĩa rằng chó thực sự có “trí tuệ” hơn mèo.
Việc so sánh trí tuệ thực sự rất khó, đặc biệt là với loài mèo. Mèo có thể rất thông minh, nhưng chúng… chảnh quá, và chẳng thèm quan tâm đến những gì khoa học làm.