Lyme là một trong những cái tên khá quen thuộc ở người. Ấy vậy mà mèo cũng mắc căn bệnh tương tự đấy. Mặc dù đối với mèo, Lyme rất hiếm gặp nhưng nếu mắc phải, việc phát hiện bệnh là điều không hề dễ dàng. Vậy thì còn chần chờ gì mà không tham khảo ngay bài viết này của Petto nhỉ?
Nội dung
1. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh Lyme ở mèo
Nguyên nhân gây bệnh
Lyme là căn bệnh do một loại vi khuẩn có kích thước rất nhỏ Borrelia Burgdorferi gây ra. Bệnh có mặt trên cơ thể người, chó, mèo và một số động vật khác. Vi khuẩn này lây truyền chủ yếu thông qua bọ, ve. Mặc dù vậy, đến nay, các nghiên cứu vẫn được tiếp diễn để kiểm chứng khi mèo tiếp xúc với bọ, ve có bị nhiễm bệnh hay không.
Bọ, ve có thể mang vi khuẩn do lây nhiễm từ chuột hay các động vật nhỏ khác. Sau đó chúng ký sinh lên cơ thể chó, mèo và truyền mầm bệnh cho các con vật này. Mèo thường được nuôi trong nhà nên khả năng mắc bệnh Lyme thấp hơn các động vật khác. Tuy nhiên, mèo hoang hay mèo thả rông sẽ có khả năng cảm nhiễm cao hơn.
Dấu hiệu nhận biệt bệnh Lyme ở mèo
Thông thường, mèo nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Chính vì vậy việc phát hiện sớm bệnh Lyme ở mèo gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp, khi sự tác động của vi khuẩn đến nhiều cơ quan, mèo có thể xuất hiện các triệu chứng bao gồm:
- Viêm khớp dẫn đến dáng đi khập khiễng, có thể chỉ xuất hiện từ 3 – 4 ngày và tái phát sau khoảng vài tuần. Bạn có thể thấy mèo đi khập khiễng một chân rồi trở lại bình thường. Sau một thời gian lại thấy chân khác đi khập khiễng.
- Một số khớp có thể xuất hiện triệu chứng sưng, nóng, đau nhức, phản ứng kém nhạy bén.
- Vi khuẩn tấn công vào thận có thể dẫn đến viêm thận, rối loạn chức năng cầu thận.
- Mèo nôn mửa, tiêu chảy, sụt cân, bỏ ăn, đi tiểu nhiều, khát nước, tiểu ra máu. Nước tiểu có nhiều bột và cặn, dịch tràn bụng, phổi, tích nước dưới các lớp mô da.
- Ngoài ra, mèo còn có thể khó thở, sốt, chân cong, trầm cảm, sưng hạch bạch huyết, thở nhanh, gấp.
- Trường hợp hiếm gặp là những biểu hiện ở hệ thần kinh.
2. Chẩn đoán và điều trị bệnh Lyme ở mèo
Chẩn đoán
Việc cung cấp thông tin liên quan đến dịch tễ bao gồm khu vực mèo từng ở hoặc đi qua, các loại thú cưng mèo tiếp xúc,…. sẽ có ý nghĩa với chẩn đoán. Bác sĩ cungc có thể chẩn đoán dựa vào biểu hiện bất thường của mèo trong thời gian gần đây. Đặc biệt, cần phải kiểm tra bọ, ve trên cơ thể, các vết cắn để xác định nguyên nhân.
Bên cạnh đó, phương pháp xét nghiệm máu cũng giúp ta chẩn đoán bệnh khá chính xác. Các phương pháp này cho phép xác định được sự hiện diện của vi khuẩn, mức độ tổn thương và tác động của chúng đến từng bộ phận trong cơ thể mèo.
Bác sĩ thú y còn cần phải phân biệt Lyme với viêm khớp cũng những những rối loạn khác. Chụp X – quang các khớp có biểu hiện bất thường sẽ có ý nghĩa xác định mức độ ảnh hưởng xương.
Điều trị
Nếu sức khỏe mèo ổn định và các tác động của vi khuẩn không quá nghiêm trọng, con vật sẽ được điều trị ngoại trú. Một số loại kháng sinh được ưu tiên lựa chọn để kìm hãm và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài những phương pháp điều trị từ cơ sở thú y, chủ nuôi cần chú ý giữ ấm và đảm bảo mèo luôn khô, kiểm soát hoạt động hàng ngày.Tùy vào từng cá thể khác nhau và thời gian điều trị dài hay ngắn.
Bệnh Lyme ở mèo mặc dù có thể loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh và cải thiện hiệu quả tình hình sức khỏe. Tuy nhiên, những tổn thương ở khớp và cơn đau có thể kéo dài dai dẳng. Chính vì vậy mà chủ nuôi không được tự ý chữa trị cho mèo dưới bất kỳ hình thức nào. Nghiêm túc tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ thú y sẽ là cách tốt nhất và an toàn dành cho Boss cưng.