Loại gỗ nào được sử dụng làm nhà cho mèo là điều các con Sen khá quan tâm, ưu và nhược điểm của chúng ra sao. Hãy cùng Petto tìm hiểu nhé.
Nội dung
Nhà mèo được làm hầu hết từ gỗ công nghiệp
Hơn 95% các loại nhà mèo, tủ mèo,… được bán trên thị trường đều được làm từ gỗ công nghiệp. Một số nhà bán quảng cáo rằng sản phẩm họ được làm từ gỗ tự nhiên gần như là quảng cáo sai sự thật. Các bạn là một người tiêu dùng thông thái, hãy có cái nhìn đúng đắn để mang về cho mình một sản phẩm phù hợp.
Sản phẩm trong hình được làm từ một loại gỗ tốt, chịu nước ở mức cao. Nhưng vẫn là một loại gỗ công nghiệp được rao bán khá nhiều.
Một số ít các nhà bán khác vẫn làm nhà cho mèo bằng gỗ tự nhiên, hầu hết là gỗ thông. Số lượng nhà bán này không nhiều. Và đa số các sản phẩm làm ra là các sản phẩm nhỏ hoặc là làm khung bằng gỗ tự nhiên, kết hợp với lưới hoặc kính. Petto sẽ phân tích rõ vì sao nhà mèo lại không được làm bằng gỗ tự nhiên ở đoạn dưới nhé.
Top 3 loại gỗ công nghiệp được sử dụng làm nhà mèo
1. Gỗ cao su ghép
Đây là loại gỗ được chúng tôi nhắc đến ở đầu bài và được rất nhiều nhà bán quảng cáo là gỗ tự nhiên. Đây là quảng cáo sai sự thật, chúng ta có thể gọi chính xác hơn nó là một loại gỗ thịt, được ghép từ các thanh nhỏ có hình dạng chữ nhật lại với nhau bằng keo.
Gỗ cao su ghép có nhiều kích thước và độ dày khác nhau. Trên thị trường cũng có nhiều loại gỗ ghép khác nhau như gỗ bạch đàn ghép, gỗ tràm ghép,…
Ưu điểm:
- Giá thành rẻ hơn so với những loại gỗ cứng khác, phù hợp với nhiều gia đình có kinh tế vừa phải.
- Độ bền cao, dẻo dai, không bị mối, mọt nếu được xử lý đúng chuẩn
- Phù hợp làm nội thất phòng bếp, phòng ngủ, phòng làm việc, ốp sàn, tường…
- Đặc tính gỗ lâu năm nhưng có độ mềm mại tạo cảm giác dễ chịu.
- Là gỗ có cấu tạo đặc biệt nên chống nước và chống ẩm cực tốt trong nhiều điều kiện khác nhau
- Là gỗ trồng tự nhiên, không phá hủy môi trường, nguồn cung luôn ổn định
- Thân thiện với môi trường: có thể chống lại ảnh hưởng của tàn thuốc lá, các vật liệu dễ cháy. Trong trường hợp rủi ro gặp hỏa hoạn thì sàn gỗ cũng không thải các chất độc hại ra môi trường.
Nhược điểm:
- Là nhiều phôi gỗ cao su ghép lại thành ván ghép nên ít đồng bộ về màu sắc. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng của tấm ván.
- Nếu cắt thành các thanh nhỏ sẽ sẽ rất bị gãy.
- Dễ bị cong vênh khi gặp nhiệt độ cao hoặc ánh nắng trực tiếp.
- Nứt gãy nếu gặp chênh lệch nhiệt độ lớn.
Lời khuyên khi sử dụng gỗ cao su ghép
Nếu các bạn đang cần một loại gỗ chống chịu nước tốt thì gỗ cao su là sự lựa chọn tuyệt vời. Tránh sử dụng gỗ cao su ở nơi có sự chênh lệch nhiệt độ cao như ngoài trời vì sẽ bị nứt gãy, đặc biệt là các sản phẩm có các chi tiết nhỏ.
Gỗ Plywood
Gỗ Plywood hay gỗ ván ép đều là thuật ngữ khác nhau của loại gỗ được tạo ra từ nhiều tấm gỗ mỏng, có cùng kích thước với nhau được xếp chồng lên nhau và kết dính bằng loại keo đặc biệt chuyên dụng.
Gỗ plywood được sử dụng rất phổ biến trong đời sống đặc biệt là trong thiết kế và sản xuất đồ dùng nội thất. Gỗ Plywood có quy trình sản xuất tiên tiến, được ép dưới áp suất và nền nhiệt cao nên rất chất lượng và đảm bảo sử dụng an toàn.
Gỗ Plywood được tạo nên từ việc ghép nhiều lớp gỗ mỏng có độ dày khoảng ~1mm và có kích thước bằng nhau. Các lớp gỗ này được ép chồng vuông góc với nhau bằng loại keo chuyên dụng và được ép nhiệt nhiệt độ cao để đạt được đồ bền như mong muốn.
Gỗ plywood có nhiều mức giá khác nhau cho cùng một độ dày, nó có thể chênh lệch mức giá từ hơn 100.000 đến vài triệu đồng một tấm, từ đó người dùng dễ hiểu lầm gỗ plywood là loại gỗ kém chất lượng.
Ưu điểm:
Thị trường cung cấp sàn Plywood có nhiều loại với các mẫu mã và chủng loại khác nhau. Dưới đây là ưu điểm chung của loại ván sàn này:
- Chịu nước khá tốt, có thể để ngoài trời nhiều năm.
- Chịu lực đa hướng, được sử dụng nhiều nhất trong nội thất uốn cong.
- Không bị nứt gãy và cong vênh khi gặp chênh lệch nhiệt độ.
- Plywood có thành phần thân thiện với môi trường, chúng giúp hạn chế tình trạng phá rừng nguyên sinh, hủy hoại môi trường.
- Kết cấu các lớp gỗ so le giúp sàn không bị cong vênh, co ngót khi nhiệt độ môi trường thay đổi.
- Có thể thay đổi bề mặt theo ý thích vì Plywood là loại sàn có bề mặt nhẵn dễ bám dính. Bạn có thể lựa chọn đa dạng giữa các loại sàn bề mặt Veneer, sàn Laminate, sàn Melamine.
Nhược điểm:
- Cạnh ván ép Plywood nếu không biết cách sẽ dễ bị sứt mẻ trong quá trình gia công hay sử dụng lâu dài.
- Tuy tấm Plywood ít bị biến dạng nhưng đối với các cơ sở sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn, cắt xén giai đoạn hay sử dụng vật liệu không đúng,… sẽ khiến cho tấm gỗ rất dễ bị cong vênh cũng như là bị phồng rộp khi gặp nhiệt độ cao hoặc tách lớp trong môi trường ẩm.
- Chênh lệch chất lượng quá lớn: plywood có thể là loại rất rẻ được sử dụng để đóng cốp pha, hoặc là loại rất mắc tiền được sử dụng trong nội thất cao cấp. Người dùng phải biết cách để phân biệt.
Lời khuyên khi sử dụng gỗ Plywood
Nếu bạn đang tìm một loại gỗ có khả năng chịu nước, chịu lực và chịu được sự thay đổi của thời tiết thì gỗ plywood là một lựa chọn tuyệt vời.
Tuy nhiên, gỗ plywood có chênh lệch mức giá rất lớn nên hãy kiểm tra kỹ để có được sản phẩm ưng ý các bạn nhé.
Gỗ MDF
MDF là loại gỗ công nghiệp được sử dụng nhiều nhất trong nội thất, hầu như nhà nào cũng có sản phẩm được làm từ gỗ MDF.
MDF là viết tắt của chữ Medium Density Fiberboard có nghĩa là ván sợi mật độ trung bình. Nói một cách dễ hiểu thì MDF là một loại gỗ bán ép sợi công nghiệp được cấu tạo bởi cách thành phần cơ bản đó là: khoảng chừng 75% nguyên liệu bột sợi được làm từ gỗ tự nhiên, 10 – 15% các loại keo kết dính, 5 – 10% nước và dưới 1% là các thành phần phụ gia khác như chất làm cứng, chất bảo vệ gỗ không bị mối mọt, trầy xước, Parafin…
Gỗ MDF được chia thành 3 loại chính là ván gỗ MDF thường, ván gỗ MDF lõi xanh chống ẩm và ván gỗ MDF chống cháy.
Gỗ ván MDF thường: Được nhận biết qua màu sắc bột gỗ tự nhiên, có giá thành rẻ hơn so với gỗ MDF lõi xanh, được sử dụng làm đồ nọi thất ở những nơi khô ráo, vì gỗ này dễ bị phồng và hư hại khi gặp nơi ẩm ướt.
Gỗ ván MDF chống ẩm: Còn được gọi với tên là HMR (High moisture Resistance) là sản phẩm gỗ được sản xuất từ gỗ rừng tại Thái Lan, Malaysia, đây là những quốc gia hàng đầu về gỗ nhân tạo. Với đặc tính không bị mốc, trong điều kiện không khí ẩm ướt thì ván chống ẩm như HFM đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của sản phẩm, cũng như những hạng mục yêu cầu kĩ thuật và thẩm mĩ cao.
Gỗ ván MDF chống cháy: nếu như gỗ ép MDF chống ẩm có phần lõi màu xanh thì gỗ ván MDF chống cháy lại có phần lõi màu đỏ. Đặc điểm nổi bật của loại gỗ này chính là có khả năng chống cháy nên thường được sử dụng ở những văn phòng, chung cư…
Hầu hết các loại gỗ MDF các bạn thường thấy qua các sản phẩm trong nhà là MDF phủ melamine.
Ưu điểm:
- Phù hợp với nhiều phong cách
- Không bị cong vênh, không bị co ngót hay mỗi mọt như gỗ tự nhiên.
- Bề mặt đẹp, phẳng nhẵn và đều.
- Dễ dàng sơn lên bề mặt hoặc dán các chất liệu khác lên trên như veneer, laminate, melamine, acrylic.
- Có số lượng nhiều và đồng đều.
- Giá thành rẻ hơn gỗ tự nhiên nhiều.
- Thời gian gia công nhanh.
Nhược điểm
- Khả năng chịu nước kém với loại MDF thông thường. MDF xanh thì chống ẩm tốt hơn.
- MDF chỉ có độ cứng không có độ dẻo dai.
- Không làm được đồ trạm trổ như gỗ tự nhiên.
- Độ dày của gỗ cũng có giới hạn nếu làm những đồ vật có độ dày cao thì phải ghép nhiều tấm gỗ lại.
Lời khuyên khi sử dụng gỗ MDF
Nếu bạn đang cần một sản phẩm có bề mặt gỗ đẹp, đồng đều thì MDF là sự lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, hãy để chúng nơi khô ráo, thoáng mát để tránh tiếp xúc với nước để sử dụng được lâu dài.
Vì sao nhà mèo thường không được làm từ gỗ tự nhiên
Nhà mèo thường được sản xuất bằng máy cắt CNC, khổ ván thông thường là 1m2 x 2m4, gỗ tự nhiên thường sẽ không có kích thước này.
Giá thành cũng là lý do lớn, chi phí để hoạn thiện một sản phẩm nhà mèo và đặc biệt là tủ mèo khá cao.
Gỗ tự nhiên chủ yếu là các thanh nhỏ, hoặc nếu có tấm gỗ lớn thì chi phí rất mắc, không đủ kích thước để sử dụng cho máy cắt, từ đó dẫn đến việc phải xử lý thủ công làm tăng thời gian và chi phí sản xuất.