Nội dung
1. Cho mèo uống quá ít nước
Mọi sinh vật trên trái đất này đều cần nước, mèo cũng không ngoại lệ, 80% cơ thể mèo là nước. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước ở mèo không biểu hiện rõ ràng, đôi khi, các boss có thể sống trong tình trạng thiếu nước nhiều năm mà sen không hề hay biết.
Tại sao mèo thiếu nước?
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước ở mèo như:
- Bị tiêu chảy
- Do các bệnh lý khác như rối loạn bài tiết, cơ quan bài tiết bị tắc nghẽn,…
- Do mèo không có thói quen uống nước thường xuyên.
- Hay ăn thức ăn khô.
- Mèo không hài lòng với nước uống hoặc bát uống nước.
Dấu hiệu mèo thiếu nước
- Đôi mắt trũng xuống
- Mệt mỏi, hay buồn ngủ
- Chán ăn, cơ thể suy nhược
- Miệng khô
- Tim đập nhanh, thở hổn hển
- Da đàn hồi kém
Mèo cần bao nhiêu nước mỗi ngày?
Cứ mỗi 1kg trọng lượng cơ thể, bé mèo cần 50ml đến 60ml nước ngọt. Vậy một chú mèo trưởng thành khỏe mạnh khoảng 4kg cần 200ml – 240ml nước mỗi ngày.
Đôi khi, mèo không uống nước cũng do không hài lòng với nước uống hoặc bát đựng nước. Vì vậy, bạn có thể thay những đồ dùng cho mèo hiện tại như khay đựng thức ăn, nước uống và đặt nước ở nhiểu nơi trong nhà để kích thích mèo uống nước.
2. Cho mèo ăn quá nhiều
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà các sen mắc phải là cho mèo ăn quá nhiều. Việc cho ăn vượt mức cần thiết trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng béo phì ở thú cưng và kéo theo nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác đối với sức khỏe của mèo.
Không chỉ gây nhiều hệ lụy xấu liên quan đến sức khỏe, việc béo phì ở mèo khiến cho việc đi lại, vui chơi cũng khó khăn hơn, mèo trở nên ù lì và lười vận động hơn.
Cho mèo ăn bao nhiêu là đủ?
Một chú mèo trưởng thành khỏe mạnh cần khoảng 60 -70 calo trên mỗi 1kg trọng lượng cơ thể. Bạn nên đo lường thức ăn cho mèo bằng dụng cụ và chia thành nhiều bữa trong ngày.
3. Chỉ cho mèo ăn thức ăn khô
Mèo không có thói quen uống nước như chó. Đa phần lượng nước mèo nạp vào cơ thể là thông qua thức ăn. Vì vậy, một chế độ ăn cho mèo với toàn thức ăn khô (hạt, ngũ cốc…) sẽ không đảm bảo lượng nước cần thiết cho cơ thể mèo.
Bạn có thể xen kẽ thức ăn ướt vào thực đơn của mèo cũng như khuyến khích mèo uống nước nhiều hơn.
4. Cho mèo ăn chay
Mèo là một loại động vật ăn thịt đúng nghĩa, phần lớn chất dinh dưỡng chúng cần đến từ thịt. Việc thiếu các dưỡng chất từ thịt động vật khiến mèo gặp các vấn đề về tim, mù lòa,…
5. Cho mèo uống sữa không phù hợp
Các loại sữa bò thông thường dành cho người có thể gây tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa ở chó. Có thể mèo nhà bạn sẽ rất thích vị sữa nhưng rất nhiều loại sữa có đường lactose – một loại đường mèo không thể tiêu hóa hoàn toàn. Nếu muốn cho mèo uống sữa, hãy sử dụng các loại sữa chuyên dụng cho thú cưng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y.
6. Chế độ dinh dưỡng không cân đối
Mất cân bằng trong chế độ dinh dưỡng có thể đến từ việc bạn cho mèo cưng sử dụng thức ăn của một thương hiệu trong một thời gian dài, hoặc bạn chỉ cho mèo ăn thịt sống, cá sống, hoặc tự nấu thức ăn cho mèo. Dù là thực phẩm tự nấu hay thức ăn chế biến sẵn, bạn nên chắc chắn rằng boss đang có một chế độ ăn uống đầy đủ chất và không bị mất cân bằng. Vì điều này có thể dẫn đến các hệ lụy xấu cho sức khỏe. Để chắc chắn, bạn nên tham khảo ý kiến thú y về chế độ ăn hiện tại của boss mèo để được tư vấn.
7. Dùng tỏi trị sán dây
Sán dây thường xuất hiện ở phần mông hoặc hậu môn của mèo, có hình dáng giống như những đoạn dây trắng nhỏ. Trong dân gian, người ta tin rằng bệnh sán dây có thể chữa trị bằng tỏi tươi. Đây là quan niệm sai lầm, chưa có nghiên cứu nào cho thấy các thành phần trong tỏi có thể ngăn ngừa sán dây.
Nếu phát hiện mèo nhà bạn chẳng may nhiễm sán dây, hãy đưa boss đến các cơ sở thú y để được điều trị đúng cách và dứt điểm.