Bệnh Histoplasmosis ở mèo hay còn được gọi là nấm phổi do Histoplasma ở mèo. Đây là căn bệnh có thể đe dọa tính mạng mèo. Vậy nên việc bổ sung kiến thức về Histoplasmosis là điều hết sức cần thiết với chủ vật nuôi.
Nội dung
1. Cơ chế sinh bệnh khi mèo bị bệnh Histoplasmosis
Bào tử nấm Histoplasmosis Capsulatum có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các con đường:
- Mèo ăn phải các loại thực phẩm có nhiễm nấm.
- Nhiễm trùng nấm cũng có thể xảy ra nếu con vật sống trong môi trường có mầm bệnh và vô tình hít phải bào tử gây bệnh.
- Nấm tồn tại trong đất, nước, phân chim, phân dơi,… Nếu mèo có sự tiếp xúc hoặc hoạt động tại khu vực này sẽ dễ dàng nhiễm nấm.
Sau khi nấm xâm nhập vào cơ thể sẽ di chuyển đến phổi và khu trú tại đây. Sau đó bắt đầu quá trình phát triển để gây ra tình trạng nhiễm trùng phổi. Mức độ nghiêm trọng của bệnh Histoplasmosis trên cơ thể mèo phụ thuộc vào sức đề kháng của con vật và số lượng nấm bị nhiễm.
2. Triệu chứng bệnh Histoplasmosis ở mèo
Mèo khi bị mắc bệnh Histoplasmosis thường có biểu hiện không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi số lượng nấm tăng lên quá nhiều cùng với hệ miễn dịch của con vật suy yếu dần, mèo sẽ có các biểu hiện như sau:
- Con vật chán ăn hoặc bỏ ăn, sụt cân nhanh chóng, da nhăn nheo, lông xù và mèo trở nên hốc hác.
- Sốt có thể xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng bắt đầu xuất hiện.
- Ho, thở hổn hển, có tiếng khò khè, khó thở, mèo thở gấp, nhanh.
- Hạch bạch huyết có biểu hiện sưng, phì đại.
- Da, niêm mạc, nướu và các mô dần có biểu hiện mất nước, nhợt nhạt.
- Mèo thường xuyên chảy nước mắt, chảy ghèn, chân đi khập khiễng.
- Con vật mệt mỏi, trông buồn rầu, không linh hoạt và chơi đùa như mọi ngày.
3. Chẩn đoán mèo bị Histoplasmosis
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh cần phải được thực hiện bởi bác sĩ thú y, tránh tự ý mua thuốc khi chưa có sự thăm khám sẽ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng, nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng cũng như tiên lượng, bác sĩ thú y cần thực hiện các kiểm tra bao gồm:
- Kiểm tra các biểu hiện lâm sàng trên cơ thể mèo có thể quan sát được.
- Thực hiện phương pháp khám lâm sàng nghe, sờ, gõ, nén để kiểm tra các cơ quan bên trong.
- Tiến hành các bài kiểm tra nhãn khoa, khám tủy xương,…
- Các xét nghiệm chuyên sâu như công thức máu toàn phần, phân tích nước tiểu,xét nghiệm huyết thanh học,… có thể được chỉ định.
- Ngoài ra, các biện pháp chẩn đoán như chụp Xquang, siêu âm, sinh thiết, tế bào học,…
4. Điều trị
- Một số trường hợp nhiễm nấm nguyên phát cấp tính thì có thể không cần điều trị. Mèo có thể tự khỏi nếu có sức đề kháng tốt và được hỗ trợ từ con người. Thường thì sau 1 tháng, các biểu hiện của bệnh Histoplasmosis ở mèo sẽ mất dần.
- Trong trường hợp mèo bị nhiễm nấm mức độ nhẹ đến trung bình thì bác sĩ thú y có thể chỉ định Itraconazole liều 200mg uống 2 – 3 lần/ngày. Quá trình điều trị có thể tiến hành liên tục với liều như trên trong 5 ngày đầu. Sau đó dùng duy trì 1 lần/ ngày trong khoảng từ 6 – 12 tuần.
- Các trường hợp nặng, việc điều trị sẽ được áp dụng với thuốc Amphotericin B. Tuy nhiên, loại thuốc này khá mạnh và có nhiều tác dụng phụ. Vì vậy thường chỉ áp dụng nếu mèo không dung nạp Itraconazole. Amphotericin B được chỉ định với liều 3mg/kg truyền tĩnh mạch 1 lần/ngày. Điều trị trong khoảng 2 tuần hoặc đến lúc mèo ổn định về mặt sức khỏe.
Mặc dù hiếm gặp nhưng tình trạng nhiễm trùng xảy ra có thể gây nguy hiểm tính mạng. Vậy nên khi khi phát hiến bệnh Histoplasmosis ở mèo, cần nhanh chóng điều trị. Do đó, phòng bệnh cho mèo chính là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của chúng trước các loại nấm gây bệnh. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào khác lạ hoặc nghi ngờ nhiễm nấm, bạn hãy nhanh chóng đưa mèo đến các cơ sở thú y uy tín để được kiểm tra.