Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số 4170/UBND-KT về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn.
Theo đó, TP Hà Nội yêu cầu các quận huyện tuyên tuyền về nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả…) khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
Việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại.
Trong Công văn, thành phố yêu cầu:
– Tiêm phòng triệt để đàn chó, mèo trong diện phải tiêm; khuyến khích đeo thẻ nhận diện chó;
– Tổ chức quản lý, chó mèo nuôi để phòng bệnh dại;
– Tuyên truyền nguy cơ, tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm khi sử dụng thịt chó, mèo; ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật để một bộ phận người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.
Công văn này đem đến luồng không khí hân hoan cho khoảng 493.000 chó, mèo trên địa bàn TP Hà Nội. Theo thống kê hiện nay, Hà Nội có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo và 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh.
Sau khi Hà Nội vận động người dân bỏ ăn thịt chó, vừa qua Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cũng đưa ra khuyến cáo: người dân thành phố Hồ Chí Minh từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó làm thực phẩm.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho rằng dù hiện tại, pháp luật Việt Nam không cấm sử dụng thịt chó nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người.
Tuy nhiên, khuyến cáo này đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều trong dư luận khi nhiều người cho rằng đây là truyền thống từ nhiều năm, rất khó bỏ. Người có thói quen ăn thịt chó cho rằng thịt chó ngon và đạm cao. Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, cội nguồn ăn thịt chó bắt đầu từ lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian. Người ăn đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy mà cũng chỉ ăn lén, ăn vào lúc tối trời, đêm hôm. Do mặc cảm tội lỗi xưa nay chẳng ai nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên người ta nói chệch là ăn thịt cầy, mộc tồn (theo Wikipedia).
Vấn đề ở đang ta cần quan tâm là nhận thức của con người về vật nuôi gia đình. Chó, mèo là vật nuôi gia đình để làm bầu bạn, để chăm sóc chứ không phải vật nuôi để làm thực phẩm. Và chó, mèo cũng là những con vật nuôi trung thành với con người.
Không ăn thịt chó, mèo thì chúng ta cũng chẳng thiệt thòi, mất mát gì mà còn giúp cho cuộc sống xã hội văn minh hơn. Nhận thức nhỏ, ý nghĩa lớn!