Úc lên kế hoạch tiêu diệt 2 triệu mèo hoang bằng xúc xích tẩm độc

Mỗi năm mèo hoang tại đây đã giết hại khoảng 377 triệu con chim và 649 triệu động vật thuộc loài bò sát. Điều này dẫn đến tình trạng tuyệt chủng một số loài đặc chủng tại Úc.

Con mèo đầu tiên được cho là tới nước Úc vào thế kỷ XVII. Sau đó, số lượng mèo tăng vọt, phân bố khắp 99,8% diện tích đất nước. Tổng số mèo hoang ở Úc theo ước tính là 2 – 6 triệu con. Mèo hoang thuộc cùng loài như mèo nhà, chúng sống trong tự nhiên và buộc phải săn mồi để sinh tồn.

Mèo hoang tại Úc
Mèo hoang tại Úc

Một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ, mỗi năm “đội quân sát thủ” này đã giết hại khoảng 377 triệu con chim và 649 triệu động vật thuộc loài bò sát. Vì bản năng sinh tồn, chúng “vô tình” tàn sát cả các động vật có vú nhỏ, dế, thằn lằn, vẹt đêm…Sự có mặt của mèo hoang bị cho là nguyên nhân khiến khoảng 20 loài động vật bản địa bị tuyệt chủng vì các động vật bản xứ là con mồi dễ bắt đối với mèo.

Mèo hoang trong một cuộc săn mồi
Mèo hoang trong một cuộc săn mồi

Trong một nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái môi trường, chính phủ đã lên kế hoạch tiêu diệt khoảng 2 triệu trong tổng số hàng triệu con mèo hoang vào năm 2020 bằng cách “dụ” chúng ăn xúc xích tẩm độc.

Theo New York Times, xúc xích “đặc chế” này được làm từ thịt kangaroo, mỡ gà, gia vị và thảo mộc và loại thuốc độc mang tên 1080 chiết xuất từ các cây độc gastrolobium (một loài cây độc chỉ có ở phía tây nam bang Tây Úc). Xúc xích này có tác dụng chết ngay sau 15 phút khi ăn và được máy bay thả xuống những khu vực có đông mèo hoang.

Sau khi nghe kế hoạch trên, một bộ phận người dân đã lên tiếng phản đối vì họ lo ngại xúc xích độc có khả năng giết chết cả các loài động vật khác. Nhưng tiến sĩ Dave Algar – trưởng ban nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học bang Tây Úc lên tiếng: Ông và cộng sự đã nghiên cứu cẩn thận để sản xuất ra thành phần đặc biệt, chỉ thu hút được mèo hoang.

Phát biểu về loại xúc xích dành cho mèo hoang tại Úc
Phát biểu về loại xúc xích dành cho mèo hoang tại Úc

Nhưng có nguồn tin lo ngại, loại thuốc này có tính kịch độc với các loài động vật không phải loài bản địa như mèo hoang. Ngoài ra, nếu ăn phải, những loài vật phi bản địa khác, kiểu như cáo, cũng chết.

Một vấn đề khác được đặt ra: chính phủ đã lấy vấn đề mèo hoang làm “bình phong” che giấu các mối quan tâm khác về môi trường như nạn khai thác gỗ và mở rộng đô thị.

Nhà bảo tồn sinh thái học Tom Doherty – trường đại học Deakin nói với CNN:

“Có khả năng mèo hoang đang được sử dụng như một công cụ đánh lạc hướng mọi người. Chúng ta cần một giải pháp toàn diện hơn để giải quyết các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học”.

Tuy nhiên, việc thả xúc xích độc từ trên trời xuống chỉ là một phần trong chiến dịch diệt tận gốc nhóm mèo hoang phi bản địa. Cùng với đó, chính phủ Úc cũng triển khai các nỗ lực khác như đặt bẫy, bắn và thay đổi các cách thức dùng bả độc tiêu diệt chúng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay