Bệnh cường giáp ở mèo là một trong những vấn đề mà các chủ nuôi cần phải biết khi chăm sóc mèo. Bài viết dưới đây, Petto xin chia sẻ những thông tin bổ ích liên quan đến căn bệnh cường giáp để các Sen có thêm kiến thức trong quá trình nuôi mèo.
Nội dung
1. Bệnh cường giáp ở mèo là gì?
Tuyến giáp là hai mảnh nhỏ có hình cánh bướm nằm ở vùng khí quản của mèo. Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản sinh quá nhiều Hormone Thyroxin (T4). Sự tăng sinh Hormone Thyroxin kích thích các tế bào tăng cường hoạt động. Đây là một trong những loại bệnh lý thường gặp trên mèo và không liên quan đến yếu tố di truyền.
2. Nguyên nhân gây bệnh cường giáp ở mèo
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh cường giáp ở mèo. Mà điển hình là do:
- Rối loạn tuyến Yên. Tuyến yên là cơ quan kiểm soát hoạt động của các tuyến nội tiết nói chung. Khi tuyến Yên bị rối loạn, hạch tuyến giáp hoạt động không có kiểm soát dẫn đến bệnh cường giáp.
- Ung thư tuyến giáp cũng là một nguyên nhân. Đây là trường hợp các tế bào phát triển một cách bất thường và không thể kiểm soát được.
- Thức ăn đóng hộp là một trong những tác nhân góp phần gây bệnh cường giáp ở mèo. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, mèo thường xuyên sử dụng thực phẩm đóng hộp có tỷ lệ mắc bệnh cường giáp cao.
- Tuổi tác cũng có thể là một phần trong số các yếu tố gây bệnh. Những trường hợp mèo già, sức khỏe yếu sẽ dễ bị bệnh cường giáp.
3. Triệu chứng bệnh cường giáp ở mèo
Khi bị bệnh cường giáp, mèo sẽ có các triệu chứng như:
- Mèo thèm ăn, ăn nhiều nhưng sụt cân.
- Uống nước nhiều và liên tục.
- Mèo trở nên hung hăng và hiếu chiến hơn bình thường do thần kinh ảnh hưởng, tâm lý luôn thấy bất an.
- Mèo sẽ có thái độ dè chừng và cảnh giác với mọi thứ xung quanh.
- Lông khô, bét, xơ xác và rụng nhiều.
- Tim đập nhanh, hơi thở nông, gấp.
- Mèo thường xuyên buồn nôn và nôn mửa.
- Chức năng đại tiểu tiện thay đổi, mèo tiểu nhiều và đi ngoài liên tục.
- Cơ thể mất sức dần do thiếu năng lượng.
4. Chẩn đoán bệnh cường giáp ở mèo
Các dấu hiệu của bệnh cường giáp rất dễ nhầm lẫn với các tiểu đường, suy thận, ung thư,… Vì vậy, cần phải có những chẩn đoán phân biệt và xét nghiệm chuyên sâu để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Để chẩn đoán bệnh tuyến giáp, các bác sĩ sẽ thực hiện đo hàm lượng Hormone T4 thông qua xét nghiệm máu. Đồng thời, việc kiểm tra công thức máu, phân tích nước tiểu,… để đánh giá chức năng của nhiều cơ quan khác.
Trường hợp các kết quả xét nghiệm chưa thể nói lên chắc chắn bệnh ở mèo thì bác sĩ thú y sẽ tiến hành nội soi tuyến giáp. Mèo sẽ được tiêm một lượng hỗn hợp chất phóng xạ và thuốc vào máu. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, thuốc sẽ tích tụ nhiều hơn bình thường.
5. Điều trị bệnh cường giáp ở mèo
Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ thú y sẽ đưa ra các phác đồ điều trị bệnh khác nhau.
Dùng thuốc
Dùng thuốc uống để kiểm soát hoạt động quá nhiều của hạch tuyến giáp được sử dụng nhiều trong các trường hợp. Thông thường, quá trình sử dụng thuốc phải kéo dài từ 2-3 tuần thì mới cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, có khoảng 10% trường hợp mèo dùng thuốc tuyến giáp sẽ gây tác dụng phụ. Mèo có thể bỏ ăn, nôn mửa, ngủ li bì,…
Hầu như các tác dụng phụ đều nhẹ và tiêu tan nhanh chóng. Quá trình điều trị bệnh cường giáp ở mèo với thuốc cần thường xuyên, lâu dài và dưới sự theo dõi, kiểm soát của bác sĩ thú y.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u hình thành ở tuyến giáp. Thường sẽ được áp dụng với những trường hợp bệnh cường giáp xuất phát từ u lành tính. Tuy nhiên, thuốc gây mê lại có thể gây nhiều ảnh hưởng tim mạch và nội tạng. Vì vậy mà cần phải có sự cân nhắc đối với phương pháp này.
Liệu pháp Iod
Liệu pháp Iod phóng xạ là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Một lượng Iod phóng xạ sẽ được tiêm vào tuyến giáp của mèo và tiêu diệt các mô ưu năng. Quá trình điều trị thường kéo dài 2 tuần cho đến khi lượng phóng xạ trong phân và nước tiểu ở mức bình thường. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được áp dụng phổ biến trong thú y tại Việt Nam.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các Sen trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc mèo. Nếu bạn muốn được tư vấn, hãy liên hệ với các bác sĩ thú y để được hướng dẫn cụ thể hơn.