Những chú mèo nhà luôn thật ngộ nghĩnh với vô vàn biểu cảm đa dạng. Thông qua ngôn ngữ cơ thể của mèo, ta có thể “đọc vị” được chú mèo đó đang muốn gì. Bạn có tin không?
Nội dung
1. Ngôn ngữ đôi tai
Mèo là một trong những loài động vật có thính giác phát triển nhất trong thế giới muôn loài. Và cũng vì thế, những cử động đôi tai cũng rất linh hoạt và mang nhiều ý nghĩa.
Hướng tai về phía trước:
Đó là hành động thể hiện sự thích thú, sự tò mò với một thứ gì đó. Có thể thấy chú mèo đang khá hài lòng với những gì diễn ra xung quanh bé. Vậy nếu mèo đang lúc lắc tai thì sao nhỉ? Đó là lúc bé muốn hỏi “có chuyện gì xảy ra vậy?”.
Vểnh ra hai bên:
Nếu tai mèo lại vểnh ra đằng sau hoặc vểnh ra hai bên, tâm trạng của bé lúc này hoàn toàn khác. Lúc này, khả năng cao là mèo đang cực kỳ giận dữ, hoặc lo sợ một điều gì đó. Để đề cao cảnh giác cao độ, mèo cần lắng tai nghe âm thanh đến từ những phía mà mèo không thấy được_đó là đằng sau lưng và hai bên hông. Ngôn ngữ cơ thể của mèo cũng dễ hiểu mà, phải không?
2. Dùng đuôi để biểu đạt ngôn ngữ cơ thể của mèo
Đuôi là bộ phận được mèo sử dụng như một “bánh lái” giúp giữ vững thăng bằng cả cơ thể. Bên cạnh đó, đuôi còn là cách để mèo thể hiện ngôn ngữ cơ thể của mèo một cách hiệu quả trước đối phương.
Đuôi dựng ngược lên
Mèo đang “thủ thế”, cảnh báo và đe dọa đối phương. Trường hợp này, bé mèo đang ở trạng thái căng thẳng, không muốn bị làm phiền. Có đôi lúc vui vẻ mèo cũng dựng ngược đuôi như một kiểu thách thức hay vờn mồi. Để hiểu rõ mèo đang ở trạng thái nào, bạn cần kết hợp “đọc vị’ bé bằng ngôn ngữ loài mèo qua ánh mắt.
Đuôi cụp xuống thấp:
Đây cũng là trạng thái phòng bị, tuy nhiên tâm trạng của bé lúc này không phải đe dọa hay giận dữ nữa, mà là lúc bé đang sợ hãi, lo âu. Khi bắt gặp chú mèo trong hoàn cảnh này, đừng cố gắng tiến lại gần bé. Việc làm đó sẽ khiến mèo them hoảng loạn. Thay vào đó hãy ngồi xuống tại chỗ và dỗ dành bé để giúp mèo trấn an tinh thần.
Đuôi khuấy qua khuấy lại:
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một em mèo cực kỳ giận dữ? Vâng, đây chính là lúc mèo đang ở đỉnh điểm của một trận cuồng phong. Em muốn nói với bạn rằng: “Đừng có đụng vào tôi lúc này”. Vậy nên các sen đừng dại mà chọc khoáy em ấy lúc này nhé!
3. Những động tác toàn thân
Lưng gập lại, lông dựng lên:
Đây là hành động cho thấy mèo đã sẵn sàng để tấn công bất cứ ai có thể gây nguy hại đến em ấy. Đây chính là ngôn ngữ cơ thể của mèo, em ấy đang muốn nói: “Hãy coi chừng!”.
Gập lưng nhưng lông không dựng:
Mèo chỉ dựng lông gáy lên với những ai đang gây hấn với bé mà thôi. Còn nếu như em ấy chỉ đơn thuần gập lưng, thì đó là sự hưởng thụ khi được bạn vuốt ve.
Giãn lưng kèm tiếng kêu Grừ Grừ:
Đó là lúc mèo tập thể dục để giãn gân giãn cốt. Thường mèo sẽ làm động tác này khi em ấy mới ngủ dậy.
4. Hành động cọ xát
Nếu chú ý đến hành vi của mèo, bạn thỉnh thoảng sẽ thấy em ấy cọ xát cả người lên bạn, bàn ghế, chăn mền và tất cả vật dụng trong nhà. Đối với mèo, đây là hành động đánh dấu lãnh thổ. Dưới lớp lông mèo là một tuyến mùi hương đặc trưng của mỗi cá thể. Bằng hành động cọ xát, mèo thầm khẳng định những vật dụng đó là của bé, bao gồm cả bạn.
5. Sự kết hợp các ngôn ngữ cơ thể của mèo
Ngôn ngữ của mèo khá là đa dạng, đôi khi để “đọc vị” được một chú mèo, bạn cần kết hợp đọc nhiều cử chỉ ngôn ngữ cơ thể của mèo cùng lúc. Chẳng hạn như sự kết hợp của hành động dựng đuôi với ánh mắt dáo dác cho thây mèo đang cực kỳ lo lắng. Nhưng với hành động tương tự mà bé lại khụt khịt cánh mũi thì lại có nghĩa mèo đang rình mồi. Tương tự với sự kết hợp của cơ thể với ánh mắt, đôi tai và cả tiếng kêu của mèo nữa.
Để hoàn toàn hiểu một em mèo không phải là điều đơn giản. Nhưng một khi đã “đọc vị” được chú mèo nhà mình rồi, bạn sẽ nhận ra thế giới loài mèo thú vị biết bao. Những ngôn ngữ cơ thể của mèo trên đây sẽ phần nào giúp bạn bước vào thế giới phong phú của loài mèo đấy.